“Gã khổng lồ chuyển phát nhanh” UPS hôm 19/3 đã thông báo thỏa thuận mua lại hãng TNT Express với giá 5,16 tỉ USD. Phần lớn các câu chuyện về vụ thâu tóm này đều tập trung vào sự ảnh hưởng tới cuộc cạnh tranh ở châu Âu. Tuy nhiên, lợi thế thực sự với UPS lại chính là việc sáp nhập sẽ giúp hãng nhanh chóng giành thị phần tại châu Á – nơi cả UPS và TNT đều chỉ là người chơi nhỏ trên đại dương rộng lớn.
Thị phần tại châu Á
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh của Bưu chính Đức công bố hôm 8/3, thị phần của cả TNT (6%) và UPS (10%) tại châu Á đều tương đối nhỏ bé so với hãng chuyển phát nhanh DHL (36%) và chuyển phát nhanh FedEx (21%). Sau khi gộp lại, thị phần của 2 hãng đạt 16%, cho phép UPS cạnh tranh hiệu quả hơn khi đương nhiên trở thành đối thủ lớn thứ ba trong khu vực. Tất cả các công ty châu Á còn lại đều không có bất cứ sự hiện diện nào khác ngoài khu vực đông dân nhất thế giới này.
Ngoài ra, sau khi có được TNT , UPS cũng sở hữu thị phần lớn nhất trong lĩnh vực giao nhận và bưu kiện B2B tại thị trường châu Âu và Mỹ, đồng thời vươn lên vị trí thứ hai hoặc thứ ba tại các khu vực khác. Với DHL/Bưu chính Đức, việc UPS mạnh lên tại châu Á trở thành nguy cơ thực sự khi xấp xỉ một nửa đơn hàng của DHL đều hướng về châu Á, bao gồm đơn hàng chuyển phát từ châu Á ra khu vực khác và ngược lại cũng như các đơn hàng vận chuyển trong nội bộ khu vực.
Các công ty quốc tế với phần lớn sản phẩm sản xuất tại châu Á có nhu cầu sử dụng hãng hậu cần toàn cầu duy nhất sẽ không thể tìm ra công ty giao nhận nào khác có mạng lưới rộng như UPS. FedEx yếu thế ở châu Âu, trong khi sự hiện diện của công ty DHL tại Bắc Mỹ lại nhạt nhòa vì vấp phải cạnh tranh của các đối thủ quốc tế khác.
Tác động của sáp nhập tại châu Âu
Câu chuyện của tờ Financial Times về vấn đề sáp nhập giữa UPS và TNT đối với cạnh tranh trong Liên minh châu Âu (EU) đặt ra cho các nhà chức trách thấy rằng việc sáp nhập phải vượt qua 3 bài thử nghiệm trong các lĩnh vực riêng biệt về: thị trường giao nhận châu Âu nói chung, thị trường bưu kiện B2B châu Âu, thị trường bưu kiện tại từng quốc gia cụ thể.
Theo những dữ liệu từ Financial Times, UPS sau khi thôn tính chuyển phát nhanh TNT sẽ trở thành hãng giao nhận lớn nhất châu Âu, DHL xuống vị trí thứ hai với số phần trăm thị phần sát nút (39% và 36%). FedEx có khoảng 10% thị phần và những đối thủ khác (phần lớn là bưu chính các nước có dịch vụ giao nhận trong EU) chiếm 14% còn lại.
Về lĩnh vực tiếp theo, thị trường bưu kiện B2B, theo dữ liệu của Financial Times, sự kết hợp của UPS – TNT sẽ tạo ra mạng lưới bưu kiện lớn gần gấp đôi đối thủ cạnh tranh gần nhất là DHL (27% so với 15%). Sự sáp nhập này có thể dẫn tới một số sáp nhập bổ sung giữa những đối thủ cạnh tranh với DHL, DPD và các nhà cung cấp nhỏ lẻ khác. Phần lớn thị phần của các hãng giao nhận nhỏ là các công ty chuyên hoạt động trong một khu vực hoặc quốc gia như DX Group hoạt động tại Anh hay các công ty con của bưu chính quốc gia. Ngoài Bưu chính Đức sở hữu DHL, Bưu chính Pháp La Poste sở hữu DPD, 3 hãng bưu chính quốc gia khác cũng kinh doanh chuyển phát nhanh bưu kiện đa quốc gia là Royal Mail thông qua công ty con GLS; Post Nord bao phủ lãnh thổ Scandinavia và cũng hoạt động tại Đức; bưu chính Áo có hoạt động kinh doanh bưu kiện khá lớn tại Trung và Đông Âu. Câu hỏi phía trước là các DN trong thị trường giao nhận bưu kiện B2B phản ứng nhanh tới mức nào với sự sáp nhập UPS – TNT?
Số liệu về lĩnh vực thứ ba – thị trường từng quốc gia riêng biệt chưa được thống kê. Tuy nhiên, có vẻ Anh, Benelux (Bỉ, Hà Lan, Luxembourg) và Đức cũng như TNT và UPS có hoạt động kinh doanh mạnh nhất tại thị trường các nước. Với các công ty Mỹ, câu hỏi thực sự là chuyển phát nhanh quốc tế FedEx sẽ làm gì chống đỡ vị trí của mình tại châu Âu. Có thể, hãng sẽ có lời đáp trong thông báo doanh thu quý sắp tới vào ngày 29 tháng này.
Theo TNT Global